Bánh rán lúc lắc, món ăn truyền thống, bình dị ngày xưa, nó gắn với tuổi thơ dữ dội của mình, hồi đó mình còn ở quê mỗi lần có chợ nội hay chợ chùa gì gì đó, đều uốn éo mẹ đòi mua quà, mà đặc biệt phải là bánh rán.
Vì sao lại gọi là bánh rán lúc lắc, đơn giản chỉ vì bánh tròn xoe, vỏ rỗng hoàn toàn với viên nhân nhỏ xíu lấp ló bên trong, cầm bánh trên tay lắc lắc, ghé sát vào tai sẽ nghe thấy tiếng lụp cụp rõ ràng, đây là điều mình thích nhất ở bánh này.
Còn gì thú vị hơn, giữa tiết trời thu se se lạnh này cả nhà cùng ngồi nhâm nhi những chiếc bánh nóng nổi, tròn xoe, giòn rụm và thơm phức, nếu có một tách trà nóng nữa thì rất lý tưởng cho một buổi sáng đầu thu.
Lần đầu tiên mình làm bánh này, chiên xong mẻ đầu tiên vớt ra để ráo dầu, rồi cầm lên lắc thử lúc đó quay sang gào với mẹ "Mẹ ơi, lắc rồi nè" lúc đó sung sướng phát hờn, cứ như được trở lại tuổi thơ vậy, cái thời chỉ cần một chiếc bánh rán nhỏ xíu thôi cũng đủ để dỗ mình đang ăn vạ nín luôn và cười toe toét.
Khẩu vị của mỗi gia đình sẽ khác nhau, các bạn có thể thêm bớt lượng đường cho phù hợp, phần nhân bánh cũng có thể biến tấu với kiểu nhân đỗ xanh, đỗ xanh dừa hành khô hoặc khoai lang..... nhưng các bạn làm đúng theo các bước dưới đây thì chiếc bánh cầm trên tay chắc chắn sẽ "lắc".
Mình chuẩn bị phần nhân bánh trước vì phần nhân cần chờ khoảng 2h:
- Cho đậu đã giã mịn vào chảo dày, tốt nhất là dùng chảo chống dính vì đậu lúc ướt dính rất dễ cháy. Để lửa nhỏ, đảo đều đậu với 50 đường trắng và 50g nước cốt dừa (nước cốt dừa giúp nhân thơm hơn, không có nước cốt dừa cũng không sao; có thể nếm thử và thêm bớt đường tùy khẩu vị nhé). Đậu đạt là khi hỗn hợp đặc lại, đảo nặng tay và hơi chạm ngón tay vào thấy đậu không dính (không cần quá kỹ như sên nhân trung thu).
- Chia đậu nhỏ ra rồi vo viên lại thật tròn nhỏ như quả quất, để vào 1 cái khay nhỏ, phủ màng bọc thực phẩm lên giữ cho đậu không bị khô và cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 1h (đậu để ngăn đá sẽ đủ cứng và ko bị dính vào vỏ bánh, khi rán sẽ tách vỏ tạo thành bánh “lúc lắc”).
* Bước 2
Trong khi chờ nhân bánh đủ cứng mình nhồi vỏ bánh:
- Đun nước hơi nóng già (50-60 độ), cho đường, muối vào khuấy tan, cho tiếp dầu ăn vào.
- Đổ nước từ từ vào hỗn hợp bột, nhào bột thật kỹ bằng tay cho đến khi thành khối mịn, không khô quá cũng ko dính tay quá (có thể dùng nhiều hoặc ít hơn hỗn hợp nước ban đầu vì tùy loại bột nên độ hút nước sẽ khác nhau). Bọc kín, để bột nghỉ khoảng 1h.
* Bước 3
Vo viên:
- Chia thành các viên, mỗi viên khoảng 30g, vỏ dày khoảng 3-5mm
- Ấn một viên nhân vào 1 viên bột, miết cho bột bao kín nhân, bao bột sao cho vỏ ôm kín vào nhân, ko có khe hở, nếu có khe hở khi rán bánh sẽ nổ.
- Lăn viên qua vừng, vo lại lần nữa cho vừng kết dính vào bánh.
(nếu vỏ hơi khô có thể nhúng tay qua nước rồi vo viên)
* Bước 4
Rán bánh:
- Cho dầu vào chảo, sao cho khi thả viên bột vào dầu ngập hết viên bánh hoặc 2/3 viên (nên dùng chảo chống dính sâu lòng để đỡ tốn dầu) , đun cho dầu nóng, thử 1 đầu đũa thấy sủi tăm nhỏ thì thả bánh vào rán.
- Khi rán bánh, lúc đầu thả bánh vào bánh vẫn nằm ở dưới đáy nồi. Không nên dùng đũa đẩy bánh lên, cứ thả bánh vào nồi, để đó, một lúc bánh sẽ rắn săn lại mặt bột rồi sẽ tự nổi lên. Phải liên tục xoay đều bánh để bánh chín vàng đều.
* Bước 5
Lưu ý:
- Quá trình rán bánh luôn giữ nhỏ lửa dầu chỉ hơi sủi lăn tăn bên ngoài viên bánh và lăn bánh liên tục cho phồng đều. Khi bánh có màu vàng như ý thì lấy ra để vào bát đã chuẩn bị giấy thấm dầu (hoặc để vào rổ sạch cho dầu thừa chảy ra). Nếu thấy viên bánh nào có dấu hiệu phồng to hơn ở 1 bên và sắp nứt thì ngay lập tức dìm phía đầu nứt đó xuống ngập dầu.
- Bánh rán lửa nhỏ sẽ nở từ từ, nở hết và không bị cứng khi nguội.
- Có thể cho một chút baking powder vào hỗn hợp vỏ bánh sẽ giúp bánh giòn hơn, tuy nhiên công thức gốc của các cụ ngày xưa chỉ có bột nếp và bột tẻ, lượng bột tẻ = 1/10 bột nếp. Vậy nên bánh giòn hay không phụ thuộc nhiều vào quá trình rán bánh, bánh rán lửa nhỏ lâu nhưng bánh ngon và giòn hơn.
- Lượng đường trong bánh tùy vào khẩu vị của mỗi nhà, có thể nhiều hoặc ít hơn trong công thức, nhà mình không hảo ngọt nên cho rất ít đường.
chú ý: nếu có ảnh bạn có thể click để xem phóng to